Khái yếu Tín ngưỡng thờ động vật

Lý giải

Voi được con người tôn thờ vì sức mạnh và trí nhớ tuệ mẫnBọ cạp được người Ai Cập cổ đại tôn sùng

Thờ cúng động vật, dù ý nghĩa và nhiều khía cạnh thờ khác nhau, chỉ ra với lòng kính thiêng một số tôn giáo nguyên thủy, như tôn giáo của người Ai Cập coi các loài này vượt trên con người. Tác giả Diodorus giải thích nguồn gốc của sự thờ phượng động vật bằng cách nhắc lại những câu chuyện thần thoại từ xa xưa, trong đó các vị thần, được cho là bị đe dọa bởi những người khổng lồ, đã giấu dưới vóc dáng của những loài động vật. Sau đó, người dân tự nhiên bắt đầu thờ cúng những con vật mà các vị thần của họ đã biến hình và tiếp tục hành động này ngay cả khi các vị thần trở lại trạng thái bình thường của họ. Đây chính là ý niệm rằng thần tính hiện thân trong lốt của động vật, chẳng hạn như một vị thần nhập thể.

Có tác giả gợi ý rằng sự thờ phượng động vật là do sự tò mò tự nhiên của con người. Người nguyên thủy sẽ quan sát một con vật có đặc điểm độc đáo và tính không thể giải thích được của tính trạng này sẽ hấp dẫn sự tò mò của con người, sự tò mò là kết quả của những quan sát của người ban đầu về đặc điểm đặc biệt này và điều kỳ diệu này cuối cùng đã dẫn đến sự ngưỡng mộ. Do đó, người nguyên thủy thờ phụng các động vật có những đặc tính không thể bắt chước. Tác giả khác cho rằng việc thờ cúng động vật có nguồn gốc từ tên của các thị tộc, họ tự cho mình là hậu duệ của những động vật và tiến hành thờ cúng.

Cuộc sống nơi núi rừng hàng ngày đều đối mặt với các loài muông thú, đa phần các dân tộc đều cho rằng thú rừng như hổ, báo, hươu, nai đều là những con vật linh thiêng, vừa là nguồn thức ăn quý giá, vừa là vật tế lễ, chứa đựng những sức mạnh siêu nhiên. Nếu thờ cúng, người đi rừng sẽ tránh được tai họa khi khai thác các sản vật tự nhiên, và như có thêm sức mạnh. Ngoài động vật trong rừng, các vật nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, gà đều được cho là những con vật có linh hồn. Các bài văn nói trong đám tang cổ truyền của một số dân tộc có những đoạn kể tạ ơn các con vật đã gắn bó thân thiết với con người.

Mấy trăm ngàn năm con người ứng xử giao tiếp đối đãi với súc vật tựu trung ở mấy dạng, trong đó có dạng sợ hãi mà tôn thờ. Mọi con vật khỏe hơn, khôn hơn có uy lực hơn trong cuộc săn bắt lẫn nhau ngoài tự nhiên trong vòng hoán đổi vai trò kẻ đi săn và con mồi đều được thần hóa: Ông cọp, ông sư tử, ông gấu, ông cá voi, cá sấu, cá mập cho tới ông rắn, ông khỉ, ông chó, ông đại bàng… Tín ngưỡng này trở thành một di sản văn hóa phổ biến của mọi sắc dân[1].

Một lý do người ta tôn thờ động vật một phần do mê tín dị đoan và sự lan truyền của những lời đồn. Nhiều con vật rất bình thường như rắn, cá, rùa cũng được phong thần do người dân quá mê tín, tin vào một sự kiện nào đó rồi tôn lên làm thần, cho rằng thần hiển linh như rùa bò vào nhà được gọi là "rùa thần", rắn bò trên cây cũng được phong "thần rắn" hay có loài cá kỳ lạ dược gọi là cá thần, và người dân tín muội coi như thần thánh hiển linh kèm theo đó là những câu chuyện “li kỳ” xung quanh các con vật xuất hiện một cách đặc biệt, được người dân “sùng bái” và sự hiếu kỳ, cả tin một cách mê tín dị đoan[2].

Các vùng

Khỉ được cộng đồng người Hoa thờ dưới hình thức Tề Thiên Đại Thánh, một nhân vật trong tác phẩm Tây Du Ký

Tín ngưỡng thờ động vật có ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó, người Ai Cập cổ đại đặc biệt thích thờ các con vật, hệ thống các vị thần của Ai Cập cổ đại liên quan đến rất nhiều con vật với đa dạng chủng loài, với nhiều con vật thiêng liêng đối với những con mèo đặc biệt liên quan đến thần Bastet, Ibises và khỉ đầu chó là Thoth, cá sấu là thần Sebek và Ra, con cá là Set, cầy mangut, chuột chù và chim là thần Horus, chó và chim ưng là thần Anubis, Rắn và lươn là thần Atum, bọ cánh cứng là thần Khepera, bò đực là thần Apis. Những vị thần này thông thường hiển thị dưới dạng sinh vật lai giữa động vật và con người. Những động vật thánh thiên này thường được người Ai Cập ướp xác vì những niềm tin này.

Ở châu Á, Ấn Độ là quốc gia đa thần giáo, với nhiều vị thần có nguồn gốc từ tự nhiên và các loài động vật (nhất là Hindu giáo với 33 triệu vị thần trong đạo Hindu). Với tính chất tôn giáo đa dạng, phức tạp, người dân ở Ấn Độ thờ rất nhiều các loài động vật từ chuột, voi, khỉ, rắn và đặc biệt là thờ bò. Việc thờ các vị thần có nguồn gốc từ động vật dẫn đến việc người Ấn Độ ít ăn thịt. Ấn Độ có nhiều nhiều đền thờ các vị thần của họ trên khắp đất nước như các ngôi đền thờ các vị thần Rắn, thần Khỉ, thần Voi và thần Bò. Tương tự ở Đông Nam Á ở Malaysia, Thái Lan lại có những ngôi đền chỉ thờ dành riêng những loài động vậy, nhiều nơi những con chuột được nuôi nấng, thờ cúng như người[3].

Việt Nam cũng là quốc gia thịnh hành tục thờ cúng động vật xuất phát từ tín ngưỡng tự nhiên. Tín ngưỡng thờ linh thú trong các đình, đền, miếu là một trong những nét đẹp mang tính nhân văn của người Việt có mặt ở mọi nơi trên lãnh thổ. Người dân duy trì nét tín ngưỡng đó như một sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, gắn liền với sức sống và sự phát triển của một vùng đất, kết tinh từ quá trình định cư và cộng cư, thể hiện lòng biết ơn, sùng bái của cộng đồng cư dân trước thiên nhiên đi kèm theo đó là tục thờ các linh thú để có được sự an tâm trong cuộc sống buổi đầu đến đây khơi dựng cơ nghiệp[4].

Người Việt có hệ thống thờ các loài động vật đa dạng phong phú, từ việc thờ những động vật có sức mạnh như thờ hổ, thờ voi, thờ ngựa, thờ cá Ông cho đến những động vật bình thường như cá, cóc, vẹt. Họ còn sử dụng hình ảnh các loài vật khác như hổ, ngựa, hạc, cá, cóc để làm biểu tượng như: tượng hổ trong lăng Trần Thủ Độ ở Thái Bình hay hình tượng hổ trên các bức bình phong trong khuôn viên các đền miếu ở Quảng Nam; hình tượng ngựa trong các lăng tẩm các vua ở Huế, hình tượng cá trên bình phong trước đền Trần ở Nam Định, hình tượng chim hạc và cóc trên trống đồng Đông Sơn. Bên cạnh đó họ còn cải biến tính chất của các linh thú du nhập trong quan niệm của người Việt.

Về sau này, ý niệm rằng thần tính hiện thân trong động vật, chẳng hạn như một vị thần nhập thể và sau đó sống trên trái đất giữa con người của tín ngưỡng nguyên thủ đã bị các tôn giáo Abrahamic bác bỏ (gồm Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo). Theo các tôn giáo này, người ta chỉ thờ phượng Thiên Chúa của họ mà không thờ các loài động vật. Trong các Hội thánh độc lập của Thiên Chúa và các nhà thờ Ngũ Tuần, các động vật có ý nghĩa tôn giáo rất ít. Động vật đã trở nên ít quan trọng và không còn mang nhiều tính biểu tượng trong các nghi thức tôn giáo và tôn giáo, đặc biệt là trong các nền văn hoá châu Phi vì Kitô giáo và các tôn giáo Hồi giáo đã lan rộng thay thế cho các tín ngưỡng tự nhiên.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tín ngưỡng thờ động vật http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/... http://m.doisongphapluat.com/to-quoc-xanh/kham-pha... http://m.doisongphapluat.com/xa-hoi/bi-an-vung-dat... http://m.doisongphapluat.com/xa-hoi/thuc-hu-chuyen... http://m.doisongphapluat.com/xa-hoi/thuc-hu-loi-do... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140319-viet-nam-vu-xu-... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/xac-uop-ca-s... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-viet-xu... http://amphibianrescue.org/2009/09/17/brian-gratwi... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tria-hmong-...